HỘI THẢO THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI XANH VÀ SỐ HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày 23/05/2024, Viện Đổi mới sáng tạo Mở và doanh nhân công nghệ (OITI) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) đã tổ chức thành công chương trình Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi xanh và số – Hướng tới phát triển bền vững” tại Hà Nội. Chuyển đổi xanh và số đã trở thành xu thế tất yếu cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, xu thế này cũng đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Theo đó, Hội thảo nhằm phần nào gỡ bỏ những nút thắt trong quá trình chuyển đổi kép của doanh nghiệp thông qua những chia sẻ từ các chuyên gia của chương trình.

Phát biểu khai mạc tại chương trình, ông Nguyễn Hải Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) cho biết “Doanh nghiệp cần chủ động tích hợp các yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, nhằm tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường.” Chính vì vậy, hội thảo mong muốn tạo dựng cơ hội để các doanh nghiệp Việt có thể lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chuyển đổi số và xanh, cũng như chia sẻ câu chuyện từ chính doanh nghiệp để các chuyên gia có thể giải đáp và hỗ trợ. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc SCE phát biểu khai mạc chương trình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc SCE phát biểu khai mạc chương trình

Chương trình còn có sự tham gia từ đại diện phía Ngân hàng Châu Á (ADB), ông Jeffrey Jian Xu, Chuyên gia giáo dục, Ban phát triển con người và xã hội đã có bài tham luận “Kinh nghiệm của ADB trên quốc tế và Việt Nam về chuyển đổi số (bao gồm công nghệ giáo dục và chuyển dịch xanh). Bài tham luận cung cấp thông tin về khung Bộ ba bất khả thi về năng lượng toàn cầu (Global Energy Trilemma – GET), bao gồm ba trụ cột chính là An toàn năng lượng (Energy Security), Tính công bằng về năng lượng (Energy Equity) và Tính bền vững môi trường (Environmental Sustainability). Theo đó, báo cáo từ Hội đồng năng lượng thế giới cho thấy Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong khu vực Châu Á về các chỉ số trong bộ ba Trilemma. Ông Jeffrey cũng cho biết ADB có nhiều cơ chế tài chính và hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi kép hiện nay, nhiều dự án đã được triển khai tại các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, v.v.  

Ông Jeffrey, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á chia sẻ tại chương trình

Đứng từ góc độ tập đoàn, đại diện Schneider Electric, ông Poovathungal Itteera ROY, Phó Chủ tịch Ban Năng lượng, Cụm Việt Nam và Campuchia đã có bài tham luận về “Kinh nghiệm chuyển đổi xanh – Góc nhìn tại Việt Nam: Thực trạng và Thách thức đặt ra”. Tại thị trường Việt Nam, Schneider tính toán được “khoảng cách hành động xanh” (Green Action Gap) là 52%, cho thấy khoảng cách giữa việc doanh nghiệp có ý định thực hiện chuyển đổi xanh với việc doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và chiến lược triển khai cụ thể. Ông Pi Roy khẳng định rằng chúng ta cần hành động ngay lập tức cho việc chuyển dịch xanh, quan trọng hơn là chúng ta cần phải đi cùng nhau để thực hiện được mục tiêu đặt ra trong chuyển dịch xanh. 

Ông Pi Roy, đại diện Schneider Electric chia sẻ tại chương trình

Tiếp nối chương trình, phiên thảo luận diễn ra với sự điều phối của bà Bùi Thanh Hằng, chuyên gia cấp cao tại Viện OITI và 4 diễn giả có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số và xanh. Bà Bùi Thanh Hằng trích dẫn nhận định “Người bi quan phàn nàn về cơn gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm”, vì vậy thay vì chờ đợi, doanh nghiệp cần chủ động trong chuyển đổi số và đặc biệt là chuyển đổi xanh cho mô hình hoạt động của mình. Đồng tình với quan điểm đó, ông Đỗ Xuân Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) cho biết chuyển đổi xanh của doanh nghiệp thực chất có thể thực hiện được ngay từ  các hoạt động thường ngày của doanh nghiệp , quan trọng nhất là cần phải chuyển đổi nhận thức, khai phá tư duy mở của con người. Mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một bộ tiêu chí về mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh riêng để biết mình có thể tiết kiệm được gì đầu tiên và thực hiện như thế nào là hiệu quả. 

Đứng từ góc độ chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ, ông Đoàn Đức Thảo, Siemens Digital Industries cho biết thách thức hiện nay của các doanh nghiệp trong chuyển đổi kép là thị trường, công nghệ và nhân lực và để giải quyết được các khó khăn này, cần thiết phải có những cơ chế tài chính và hỗ trợ từ các đơn vị liên quan. Đại diện từ EKI Energy, ông Đỗ Đức Tiến, cho biết Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược và hành động cho xu thế này để đạt được hiệu quả, và giảm tác động tiêu cực từ các quy định từ các đối tác thương mại hiện nay của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Đỗ Tiến Thịnh nhấn mạnh thêm việc lựa chọn các biện pháp chuyển đổi cũng cần được xem xét, có khi cần xem xét về tác động dài hạn, nhưng có khi cần phải “lấy ngắn nuôi dài”. Nhìn chung, chuyển đổi số và xanh là tất yếu nhưng cần phải căn cứ vào bối cảnh và mục tiêu, hướng đi mà doanh nghiệp đặt ra là gì cũng như doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh thì cần phải thực hiện chuyển đổi số. 

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã nhận được những thông tin về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh và số của Nhà nước đối với Doanh nghiệp, các kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, từ đó hiểu rõ về quá trình xanh hóa và số hoá trong doanh nghiệp. Điều này có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định thông minh và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình trong thời kỳ chuyển đổi xanh và số hiện nay. 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập tại:

📍 Website: https://oiti.vn/

📍 LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/oitivn/    

📍 Fanpage: https://www.facebook.com/oitivn

#OITI #ADB #VinUni # SCE #Digiwin #Siemens #Schneider #Green_Transformation #Digital_Transformation #Semiconductor #OpenInnovation #Technopreneurship #InnovationEcosystem #StartupEcosystem #TechnologyEducation #VietnamInnovation #Vietnam #SoiHub